Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Viêm mũi dị ứng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Viêm mũi dị ứng là nỗi phiền toái với những ai mắc phải, chắc chắn những cách điều trị sau đây sẽ giúp bạn chấm dứt nỗi mệt nhọc này!
Trước khi muốn tìm hiểu đến cách chữa trị viêm mũi dị ứng, hãy cùng mình nắm bắt sơ qua thông tin của nó nhé!

Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng (tên tiếng Anh là Allergic rhinitis) là bệnh lí thường xảy ra ở rất nhiều người trong thời kì hiện đại. Nó xảy ra do vùng niêm mạc mũi bị viêm khi người bệnh hít phải dị nguyên gây kích ứng bao gồm khói, bụi, nước hoa, mùi hương, … hoặc ăn những thực phẩm, hải sản gây kích ứng như tôm, cua, … và hắt hơi như một phản ứng chống trả của cơ thể với các dị nguyên này, bằng cách tiết ra chất hóa học tự nhiên trong niêm mạc mũi có tên là Histamine để bảo vệ cơ thể. Tuy đây là một căn bệnh lành tính nhưng lại mang đến nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống hằng ngày về sinh hoạt, học tập và làm việc.

Thông thường sẽ được chia thành 2 loại dựa theo tác nhân gây bệnh:

  • Viêm mũi dị ứng phụ thuộc vào thời tiết: triệu chứng xuất hiện khi thời tiết thay đổi, chủ yếu vào mùa xuân và mùa hè với thời gian dài ngắn khác nhau (dựa vào triệu chứng). Dị nguyên gây bệnh thường là phân hoa và cây cỏ hoặc nấm mốc.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm: phần lớn dị nguyên gây kích ứng là thông qua đường niêm mạc mũi, ngoài ra một số khác có nguyên nhân từ đường tiêu hóa như nấm, thuốc tân dược.

Theo như phân loại của ARIA (hiệp hội viêm mũi dị ứng Quốc tế) dựa vào thông số về triệu chứng và chất lượng cuộc sống, cùng với khoảng thời gian bệnh tồn tại như sau:

  • Viêm mũi dị ứng gián đoạn: bệnh nhân có thời gian mắc bệnh < 4 ngày/tuần hay < 4 tuần
  • Viêm mũi dị ứng dai dẳng: bệnh nhân có thời gian mắc bệnh > 4 ngày/tuần và >4 tuần.

Nếu dựa vào mức độ thì phân loại thành 3 nhóm:

  • Nhẹ: có giấc ngủ bình thường và ít ảnh hưởng đến công việc, đời sống hằng ngày, không có triệu chứng khó chịu.
  • Trung bình: giấc ngủ không bình thường, ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày, xuất hiện các triệu chứng khó chịu.
  • Nặng: ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động hằng ngày, giấc ngủ bất thường, nhiều triệu chứng rất khó chịu.

Triệu chứng viêm mũi dị ứng

Dựa vào phân loại như trên thì bệnh này sẽ có triệu chứng tương ứng

  • Thể bệnh phụ thuộc vào thời tiết: bệnh nhân thấy cay và ngứa sống mũi, hắt hơi liên tục nhiều lần thành từng tràng, cây mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, nước mũi chảy đầm đìa với màu sắc trong như nước lã. Người bệnh sẽ cảm thấy khô ở niêm mạc họng, thanh quản, khóe mắt và thỉnh thoảng ở cả ống tai ngoài. Ngoài ra bệnh nhân thấy nặng đầu, mệt mỏi, sợ ánh sáng nên thường sẽ tìm đến chỗ tối. Cơn dị ứng xuất hiện nhiều lần trong một ngày nhưng sẽ dịu đi vào ban tối, cứ thế kéo dài một vài tuần rồi biến mất mà không cần dùng bất kì thuốc nào.
  • Thể bệnh quanh năm: thường xảy ra phổ biến, bệnh nhân hay sổ mũi vào lúc sáng sớm thức dậy, giảm đi trong ngày và lại tái phát nếu gặp phải luồng gió, lạnh, hoặc bụi. Giai đoạn đầu nước mũi trong nhưng sau đó đặc lại thành mủ, chảy thành từng đợt có khi gây viêm loét tiền đình mũi; hắt hơi thành từng tràng, nếu nặng sẽ hắt hơi liên tục nhiều giờ trong ngày gây mệt mỏi, giảm trí nhớ. Bệnh nhân nghẹt mũi phải thở thành bằng đường miệng nên viêm họng, viêm phế quản; luôn khạc nhổ do ngứa mũi, đau thắt ở gốc mũi và tiết dịch ứ đọng trong vòm họng; niêm mạc mũi phù nề, nhợt nhạt, nhiều dịch loãng hoặc mủ đặc màu trắng hoặc vàng, xanh khi có bội nhiễm vi khuẩn, vùng niêm mạc mũi thay đổi thành polyp to nhẵn.

Với những triệu chứng gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân như vậy thì chắc chắn tìm hiểu cách điều trị viêm mũi dị ứng là mong muốn của rất nhiều người. Bạn đọc hãy cùng mình theo dõi tiếp nha!

Cách chữa trị viêm mũi dị ứng

Đối với nhiều căn bệnh, bác sĩ luôn khuyên chúng ta về cách điều trị bệnh tốt nhất chính là thực hiện tốt phương án dự phòng – nghĩa là “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chính vì thế để không mắc phải nỗi phiền toái oái ăm này thì bạn đọc cần chuẩn bị cho mình và cả người thân quen một lối sống lành mạnh, tránh xa các tác nhân khói bụi, hóa chất, lông thú, … bằng cách tăng cường mang khẩu trang mỗi khi ra ngoài đường hoặc tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ.

Bên cạnh đó nên rèn luyện thể lực bằng cách hoạt động, tham gia tập thể dục thể thao vừa sức thường xuyên.

Tuy nhiên nếu bạn đã là một trong những bệnh nhân của viêm mũi dị ứng thì tham khảo những cách điều trị dưới đây nhé!

Một lưu ý rằng người bệnh có thể điều trị theo nhiều cách khác nhau, bao gồm thuốc hay biện pháp tại nhà, tuy nhiên bạn hãy chắc chắn rằng đã được đi khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ trước khi quan tâm đến phương pháp điều trị mới.

  • Thuốc kháng Histamine: như đã nói ở trên nguyên nhân gây dị ứng do histamine tiết ra trong vùng niêm mạc mũi để chống các dị nguyên, do đó có thể làm giảm hiện tượng này bằng cách ức chế tiết chất hóa học này, tuy nhiên cần được bác sĩ tư vấn thêm bạn nhé!
  • Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi: giúp làm giảm ngứa và điều trị các triệu chứng liên quan đến dị ứng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên người bệnh chỉ sử dụng vào một số trường hợp cần thiết, không nên dùng lâu dài; ngoại trừ thuốc xịt mũi dạng steroid thường được khuyên dùng lâu dài để kiểm soát triệu chứng.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: bụi, hóa chất, nước hoa, lông chó mèo, … và thường xuyên làm sạch bụi bẩn trong nhà, lắp ráp bộ phận tinh chế không khí và lọc bụi tạo môi trường trong lành hơn.
  • Phương pháp thay đổi miễn dịch (miễn dịch liệu pháp): đây là phương pháp giúp bệnh nhân bớt mẫn cảm, giảm các triệu chứng khi phơi nhiễm tự nhiên trở lại với chính các dị nguyên đó bằng cách hấp thụ liều tăng dần dị nguyên với tỉ lệ thành công đến 80 – 90% (hiệu quả nhiều trong trường hợp dị ứng phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo), các triệu chứng sẽ được cải thiện rõ sau 6 – 12 tháng.

Bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm một số cách điều trị viêm mũi dị ứng dân gian, được nhiều ông bà ta để lại:

  • Cây giao: đây là một trong những bài thuốc mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị, mủ cây chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn, dào thải dịch nhầy như togliane, polyphenol, … Ngoài ra trong Đông Y thì loại cây này có tính hàn, vị chua giúp khử độc, tiêu viêm. Tuy nhiên mủ của cây giao chứa chất gây bỏng da và tổn thương mắt nên cẩn thận khi dùng.
  • Tỏi: trong tỏi chứa allin, nó sẽ biến đổi thành Allicin khi nghiền, giã. Allicin tác dụng kháng khuẩn đường hô hấp, điều hòa miễn dịch và tăng cường lưu thông khí huyết. Do vậy sẽ làm giảm tình trạng tắc nghẹt ở mũi.
  • Cây ngũ sắc: tinh dầu chứa hoạt chất thanh nhiệt, giải độc, giảm sưng và chống dị ứng. Trong y học hiện nay cũng điều chế thành thuốc nhỏ mũi như Agerhinin, thuốc nhỏ mũi Flanos.
  • Ngải cứu: đã không còn xa lạ gì với chúng ta, ngải cứu vốn là một loại dược liệu có mặt nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh dân gian. Đặc biệt, nó có thể điều trị bệnh viêm mũi dị ứng đã được nhiều người áp dụng nhờ vào tính giảm đau, giảm kích ứng và kháng viêm sẽ làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh.
  • Kinh giới: không chỉ được dùng như một loại rau ăn kèm, nó còn được biết đến là một cây thuốc Nam chữa bệnh này hiệu quả do có khả năng ức chế các phản ứng dị ứng tại chỗ trong tinh chất của nụ hoa kinh giới. Chính vì thế nó còn dùng để trị phong hàn, viêm xoang, …

Vậy còn chế độ ăn khi mắc bệnh viêm mũi dị ứng có thay đổi gì hay không? – Câu trả lời chính xác là có, dĩ nhiên bạn sẽ phải kiêng kị một số thực phẩm gây kích ứng rồi!

Viêm mũi dị ứng kiêng ăn gì?

Khi ăn những thực phẩm gây kích thích sản sinh ra nhiều Histamine tạo phản ứng viêm trong cơ thể thì nhất định phải hạn chế:

  • Hải sản: Đây là những thực phẩm có chứa nhiều protein, dễ gây dị ứng sẽ khiến triệu chứng viêm trở nên nghiêm trọng hơn
  • Thức ăn lạnh, béo, tanh: những loại thuộc nhóm này sẽ gây kích thích các cơn hắt xì liên tục, kích thích cơ co thắt phế quản làm ho nhiều và tăng tiết dịch nhầy hô hấp.
  • Đồ ăn cay nóng: những loại đồ ăn cay, nóng như tiêu, ớt, … với nồng độ nhiều sẽ khiến nhiều bệnh nhân hắt xì liên tục.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: trong sữa cũng có lượng lớn protein và các thành phần khác làm tăng tiết chất nhầy trong mũi, gây tắc mũi và cản trở phần lưu thông khí trong các rãnh xoang, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển.
  • Đồ uống có chất kích thích: các loại đồ uống có cồn như bia, rượu và thuốc lá có thể làm suy giảm khả năng diệt khuẩn của hệ miễn dịch. Chúng làm ảnh hưởng đến các chất chống oxy hóa trong cơ thểm gây ra sự thiếu hụt vitamin C và tăng nồng độ kháng thể IgE làm tăng giải phóng Histamine một cách ồ ạt, do đó tăng biểu hiện viêm mũi dị ứng.

TỔNG KẾT

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lí thường gặp trong thời đại phát triển hiện nay, tuy nguyên nhân là do các dị nguyên nhưng nếu tìm hiểu sẽ biết được nguyên nhân sâu xa lại chính vì sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch. Những thông tin bổ ích mình đã cung cấp hi vọng sẽ giúp các bạn đọc có thể phòng tránh những rủi ro về sức khỏe của bản thân và gia đình. Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tới nhé!

Bài viết của Medicalhealth chỉ có tính chất tham khảo thêm một nguồn thông tin cho độc giả, không thay thế cho việc chuẩn đoán hoặc điều trị. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh như trên các bạn cần đến các cơ sở y tế để được chuẩn đoán và điều trị.

Nội dung bài viết có tham khảo từ Wikipedia.



source https://medicalhealth.vn/viem-mui-di-ung/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét