Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Bệnh suy tim: dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Tim là bộ phận rất quan trọng trong các cơ quan của con người, nếu như não được ví như là “lãnh đạo” chỉ đạo chung hoạt động của tất cả các bộ phận thì tim chính là người “quản lý” là nơi đốc thúc và bơm “nguyên liệu” (máu) cho tất cả các các cơ quan trong cơ thể để duy trì hoạt động sống của con người. Và một khi tin xảy ra vấn đề thì ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan khác trong cơ thể, nhất là khi tim bị mắc bệnh suy tim là căn bệnh mà tim mất khả năng bơm máu cho cơ thể, một khi tim không cung cấp đủ máu thì những cơ quan khác trong cơ thể cũng khó mà hoạt động hiệu quả. Vậy bệnh suy tim cụ thể là gì? Triệu chứng như thế nào? Cách điều trị ra sao? Hãy theo dõi bài viết này nhé!

Suy tim là gì?

Theo những nghiên cứu của chức y tế thế giới WTO suy tim là thuật ngữ thường được dùng để chỉ bệnh xảy ra khi tim mất khả năng bơm máu để duy trì các nhu cầu của cơ thể ”. Nhiều người lầm hiểu rằng suy tim, tim ngừng bơm máu thì là trái tim sẽ ngừng hoạt động, nhưng không, khi mắc suy tim, trái tim sẽ vẫn hoạt động chỉ là nó bị yếu đi hoạt động bơm máu trở nên khó khăn và chậm hơn khi nó khỏe mạnh. Khi việc bơm máu đi nuôi các cơ quan ít đi thì cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Người mắc bệnh suy tim khi số lượng máu cung cấp không đủ cho cơ thể, các buồng tim phải thích ứng bằng cách căng giãn ra để giữ được nhiều máu hơn. Điều này có thể giúp duy trì được trong một thời gian, nhưng về lâu về dài cơ tim sẽ bị yếu và không đủ khả năng tuần hoàn máu. Hậu quả là thận sẽ phản ứng lại bằng cách giữ lại muối và các chất dịch. Chất dịch bị ứ đọng trong các bộ phận của cơ thể lâu dài sẽ gây ra suy tim sung huyết.

Theo các chuyên gia tim mạch suy tim chia thành 3 loại: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ.

Dấu hiệu của bệnh suy tim

dau-hieu-suy-tim
Dấu hiệu suy tim

Khó thở

Là triệu chứng điển hình của suy tim, người bệnh có cảm giác hụt hơi, hồi hộp, tức ngực và khó thở khi bệnh càng trở nặng thì khó thở càng nhiều. Khó thở có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên nếu bạn bị khó thở kéo dài thì nên đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán suy tim.

Ho kéo dài

Khi bạn đột nhiên bị ho kéo dài không rõ nguyên nhân đó cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh. Ho khi bị suy tim là ho khan, khó khạc đờm. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, ho đến không ngủ được. Dần dần ho kéo đến với tình trạng dày đặc hơn và khiến bệnh nhân khó chịu, nếu ho khi nằm vô cùng khó chịu phải ngồi dậy mới chịu được.

Những biểu hiện khác của bệnh suy tim bao gồm:

– Chán ăn

– Sụt cân

– Nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim

Thường xuyên mệt mỏi cũng có thể báo hiệu bệnh.

Chán ăn, buồn nôn

Như biểu hiện của các bệnh lý về đường tiêu hóa, người bệnh suy tim cũng có thể có cảm giác chán ăn, buồn nôn… để tránh gây nhầm lẫn, người bệnh nên đi khám bác sĩ.

Sưng phù cũng có thể là một dấu hiệu của suy tim

Nguyên nhân suy tim

nguyen-nhan-suy-tim
Nguyên nhân suy tim

Nguyên nhân suy tim trái:

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy tim, tuy nhiên phổ biến nhất phải kể đến: Tăng huyết áp (là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy tim), người có tiền sử bị bệnh tim mạch như bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính cũng dẫn đến suy tim, người bị bệnh lý van tim hẹp hở van động mạch chủ, hở van hai lá bẩm sinh, những người bị bệnh lý cơ tim hoặc bị tim bẩm sinh.

Nguyên nhân suy tim phải:

Các nguyên nhân gây ra suy tim phải như bị bệnh phổi mãn tính, bị tăng áp lực động mạch phổi, hẹp van hai lá.

Khi bị suy tim trái lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim phải, đây chính là nguyên nhân thường gặp nhất.

Nguyên nhân suy tim toàn bộ:

Nguyên nhân do suy tim trái tiến triển lâu năm thành suy tim toàn bộ.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân thường gặp như là: nghiện rượu, tiểu đường, cường giáp, bệnh tự miễn, bệnh tim chu sản ( do người mẹ bị bệnh trước và sau thời gian sinh con vài tuần)…

Bệnh suy tim có nguy hiểm không?

Suy tim trải qua 4 cấp độ:

Suy tim độ 1: các chức năng bình thường, vận động thường ngày không gây khó thở mệt mỏi.

Suy tim độ 2: cấp độ này người bệnh hoạt động sẽ bị mệt mỏi, khó thở, tức ngực.

Suy tim độ 3: giai đoạn này bắt đầu nặng hơn khi bệnh nhân chỉ vận động nhẹ cũng đã xuất hiện triệu chứng cơ năng.

Suy tim độ 4: không thể vận động vì khi vận động triệu chứng cơ năng càng gia tăng.

Suy tim là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị thì nó sẽ gây nên một số các biến chứng nguy hiểm như sau:

– Suy thận, suy gan (suy giảm chức năng gan, viêm gan, xơ gan)

– Gây phù phổi cấp: với những biểu hiện như: ho khan, ho ra máu lẫn dịch, nặng ngực.

– Biến chứng huyết khối: dễ gây ra đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

– Rối loạn tiêu hóa

Điều trị bệnh suy tim

Suy tim còn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như rối nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim kèm theo việc tổn thương đến gan, thận… nếu người bệnh không được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, đây là một căn bệnh mãn tính nên việc chữa khỏi hoàn toàn là vô cùng khó khăn và mất một thời gian khá dài. Và dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến hiện nay:

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh

Đây là một giải pháp điều trị không dùng thuốc giúp nâng cao sức khỏe cho người bệnh suy tim và giảm thiểu đáng kể các yếu tố nguy cơ khiến bệnh trở nặng. Dưới đây là một vài điều cần lưu ý:

– Hạn chế tối đa việc uống nước,  chỉ uống tối đa khoảng 1lit nước/ngày hoặc chỉ uống khi khát.

– Giảm thiểu tối đa lượng muối sử dụng hàng ngày.

– Giảm cân nếu bạn đang thừa cân, vì mỡ thừa có thể gây áp lực lên tim.

– Nếu bạn bị chẩn đoán là suy tim thì nên dừng ngay việc sử thuốc là và các loại chất có cồn hay chất kích thích khác.

– Tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng tốt cho sức khỏe tim mạch và ngoài ra còn giúp phục hồi chức năng tim.

Các loại thuốc điều trị suy tim

Người bệnh có thể sẽ được bác sĩ kê thêm một số loại thuốc sau đây:

– Digoxin loại thuốc giúp tim bơm máu hiệu quả hơn

– Thuốc ức chế men chuyển ACE, ARB hay ARNI giúp giãn mạch và làm giảm huyết áp

– Thuốc hạ huyết áp và ổn định huyết áp cùng với điều hòa nhịp tim.

Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đơn thuốc điều trị của bác sĩ, tránh tình trạng uống thuốc thấy đỡ là ngưng dùng thuốc. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường phải lập tức đi khám bác sĩ.

Điều trị bằng can thiệp, phẫu thuật tim

Tùy vào bệnh tình của từng người, mà bác sĩ sẽ có phương pháp phẫu thuật khác nhau. Nhưng dưới đây là một số phương pháp phẫu thuật hay được áp dụng:

– Nong mạch đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: áp dụng trong điều trị suy tim do bệnh mạch vành.

– Hàn gắn, sửa chữa hoặc thay thế van tim: thường được dùng trong chữa bệnh suy tim do hẹp van tim hoặc hở van tim.

– Chữa trị những khuyết tật tim bẩm sinh

– Cấy máy tạo nhịp tim khi tim đập quá chậm, cấy máy khử rung tim trong trường hợp loạn nhịp nhanh.

– Ghép tim là biện pháp cuối cùng và không phải ai cũng sử dụng được phương pháp này do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên đây là phương pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp trên không còn sử dụng và khi suy tim đã trở nên quá nặng.

Quan trọng nhất là người bệnh phải giữa tinh thần thoải mái, lạc quan thì điều trị mới có hiệu quả. Không phải ai bị suy tim cũng tử vong nên người bệnh cần tích cực điều trị để tuổi thọ được kéo dài hơn.

Suy tim nên ăn gì?

benh-mach-vanh-nen-an-gi

Chế độ ăn uống cũng là “chiếc chìa khóa” quan trọng quyết định việc người bệnh suy tim có phục hồi nhanh không, mà không phải ai cũng biết chế độ ăn uống dành cho người suy tim. Dưới đây là một vài thực phẩm được gợi ý, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nhất thì người nhà bệnh nhân nên thảo khảo bác sĩ và lập ra một thực đơn cụ thể.

Đầu tiên mà tất cả các loại bệnh đều cần đó là tăng cường rau xanh và trái cây tươi, rau củ quả có chứa nhiều vitamin, các chất chống oxy hóa và chất xơ rất tốt cho sức khỏe mạch. Chính vì vậy, người bệnh suy tim nên ăn nhiều các loại trái cây và rau rau củ quả như: việt quất, dâu tây, mâm xôi, những loại quả chứa nhiều kali như: dưa hấu, chuối, cam, quả mơ (tuy nhiên nên hạn chế hơn vì chúng chứa nhiều đường), dưa lưới, táo, kiwi, đu đủ, đào,…

Nếu ăn nhiều sẽ gây ngán thì bạn cũng có thể biến tấu thành một số loại nước uống như sinh tố, nước ép, kem hoa quả, thạch hoa quả hay sữa chua hoa quả,…

Những lưu ý về chế độ ăn cho người suy tim

Bên cạnh những thức ăn có lợi thì cũng cần lưu ý hạn chế những loại thức ăn gây khó tiêu và ảnh hưởng đến bệnh tình của bệnh nhân như:

Giảm muối trong khẩu phần ăn

Người bệnh nên ăn nhạt, giảm muối trong các khẩu phần ăn. Vì khi ăn mặn cơ thể sẽ tích nước gây phù nề và gây áp lực cho tim.

Giảm thiểu chất béo

Chất béo là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch và gia tăng các biến cố về tim. Vì vậy trong mỗi bữa ăn hàng ngày bạn cần giảm thiểu tối đa lượng chất béo trong chế độ ăn hàng ngày, cụ thể là hạn chế ăn các loại thịt mỡ, thịt đỏ. Thay vào đó bệnh nhân nên ăn các loại thịt nạc, cá và tốt nhất các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, rán…

Giảm số lượng protein (chất đạm) trong mỗi bữa ăn

Người bệnh không nên ăn quá nhiều thịt trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là các loại thịt chứa nhiều đạm như: thịt chó, thịt bò, hải sản,…

Hạn chế vitamin K khi dùng thuốc chống đông

Hạn chế các loại thực phẩm làm giã thuốc như: đồ uống như trà xanh, trà việt quất, rượu, bia; các loại đậu đỗ, các loại quả hạch hoặc hạt bí ngô, quả óc chó, các loại rau có lá màu xanh thẫm (rau cải bó xôi, súp lơ xanh)…

Không nên ăn thực phẩm khó tiêu

Không ăn các thực phẩm khổ tiêu như: rau cải chua, đậu đỗ, đồ ăn lên men, thịt để lâu ngày, bánh ngọt có trứng, thịt khô, thịt muối… tóm lại là nên ăn thực phẩm sạch, tươi sống.

Chăm sóc bệnh nhân suy tim

  • Nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc thường xuyên, đúng liều, đúng giờ. Không để bệnh nhân uống rượu và quan sát thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh nhân có bị tác dụng phụ hay kháng thuốc không.
  • Chăm sóc với chế độ ăn uống như trên và kết hợp luyện tập thể dục nhẹ nhàng.
  • Giảm áp lực, stress và xúc động mạnh cho bệnh nhân suy tim, tốt nhất là giữ cho bệnh nhân có tinh thần thoải mái, vui vẻ điều trị.

Cuối cùng để có trái tim khỏe mạnh thì chúng ta nên ăn uống khoa học và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, phòng bệnh hơn chữa bệnh mà! Bài viết của Medicalhealth chỉ có tính chất tham khảo thêm một nguồn thông tin cho độc giả, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh như trên các bạn cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

Nội dung bài viết có tham khảo từ: https://vi.wikipedia.org

 



source https://medicalhealth.vn/benh-suy-tim/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét